PDA

View Full Version : Câu nói đùa độc hại: “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”



cuonglirmt
30-06-2011, 10:24 AM
Sự thiệt thòi của phụ nữ Việt lấy chồng ngoại...

Tôi đoán chừng câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” xuất hiện trong thời gian sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và trước khi dất nước bị chia đôi. Thời còn trẻ tôi cũng đã từng hả hê nói câu này vì tôi cho là nó hay. Sau này tôi dần dần cảm thấy đây là câu nói rất vớ vẫn. Tôi còn cho là nó phản văn hoá, phản dân tộc và chất chứa nhiều tác hại ngấm ngầm.
Nói về ăn cơm Tàu. Trước năm 1975 ở miền Bắc chắc không có quán ăn Tàu vì kinh doanh tư nhân bị cấm. Trong khi đó tại miền Nam, thành phố nhỏ nào cũng có phố Tàu phồn thịnh với tiệm buôn, quán ăn, tiệm thuốc bắc, trường học, hội quán…… Tại các tỉnh miền Trung dù người Tàu không nhiều như trong Nam nhưng hầu hết quán ăn có bảng hiệu, thực đơn, bàn ghế, nhân viên, và được trang trí đàng hoàng đều bán thức ăn Tàu và do người Tàu làm chủ. Mỗi thành phố chỉ có một hai quán ăn chuyên nghiệp do người Việt làm chủ với thực đơn: Tây, Ấn, Ta lẫn lộn. Người gánh đồ ăn đi bán rong và quán ăn Việt lụp sụp thì tương đối nhiều hơn, nhưng thường chỉ bán vài ba món chuyên trị: cháo, phở, bún, cơm đĩa, thịt cầy….. Lúc ấy, người Phật tử gốc Bắc và người Trung, Nam chưa biết ăn “cây còn”.
Theo Phạm Duy, vào năm 1908 cha của ông cùng học giả Nguyễn Văn Vĩnh mỡ quán ăn Việt Nam đầu tiên tại Hà Nội nhằm khuyến khích người Việt vùng lên làm kinh doanh và để cạnh tranh với người Tàu giành lại quyền làm chủ nước nhà. Và với chủ trương: phải kinh doanh mới có cơ hội làm giàu và giàu mới làm được việc lớn dễ dàng. Dĩ nhiên, cộng đồng Tàu ở Hà Nội đã bị rúng động, họ lo sợ người Việt sẽ có cơ hội vượt qua sự kiềm chế kinh tế của họ. Bởi vậy, họ đã cùng nhau tuyên tuyền, nói xấu và mướn đám du côn người Việt phá phách, gây rối, ngăn chận khách; đồng thời họ vận động các chính khách Pháp, Việt và vài tờ báo của Người Việt gây khó dễ và đánh phá hai ông chủ người Việt thích làm cách mạng. Rất tiếc, cái tiệm đó chỉ ngoi ngóp được hơn một năm (vì lý do riêng thì phải).
Ngày xưa, đi ăn tiệm Tây để tập tành cách: ngồi ăn, kêu đồ ăn, gọi bồi bàn, nhai đồ ăn, chùi miệng, cầm muỗng nĩa đúng kiểu (đúng tay và đặt đúng bên), cầm dao cắt không làm cho miếng bít tết văng xuống đất….Vâng, ăn ngon hay dỡ không phải là ưu tiên, mà quan trọng là để tập và để khoe cái phong cách quí tộc Tây phương của mình. Còn không muốn ăn cơm Tây thì chỉ còn cách ăn cơm tàu, chứ cơm Việt còn nằm chủ yếu ở bếp nhà.
Thời ấy, dân nghèo ở quê, ở tỉnh đến Hà Nội hay Sài Gòn là tưởng mình bị lạc vào thiên đàng, thấy nhà lầu 6-7 tầng là nhìn hoài đến nỗi đạp bể bánh tráng của người ta. Trình độ dân trí thấp (mù chữ) đến nỗi mỗi trạm xe điện phải có hình con cua, con cò, con cá …. để cho người mình dễ nhớ. Nghèo, quê quá mà, nên tới thập niên 50-60 vẫn còn hiếm khách Việt bình dân đi quán ăn Tàu. Những năm đầu thập niên 1970 mới có lưa thưa khách Việt trong các nhà hàng Tàu sang trọng ở Chợ Lớn. Tiệm Tàu mở ra phục vụ cho Tây, cho người ngoại quốc, cho một nhóm nhỏ người Việt và cho cộng đồng người Tàu giàu có. Bởi vậy, có thể nói, đa số chỉ nghe nói và mơ ước thôi chứ việc lo gạo đủ ăn quanh năm cho cả một bầy con đông đã là việc biết bao gia đình không thể thực hiện được, nói chi đến việc có quần áo tươm tất hay có dư tiền để kéo cửa tiệm Tàu.
Vậy, “ăn cơm Tàu” ở đây có thể chỉ phản ảnh cái ước mơ của khoảng 98-99% dân số vào thời ấy: mơ được ăn cho biết ra sao, cho thoả mãn cái giấc mơ được ăn cơm tiệm (tương tự, thời ấy ai cũng mơ được ngủ một đêm miễn phí ở khách sạn để nếm thử cái mùi sang trọng và hiện đại của Tây; ai cũng muốn có cơ hội nếm thử miếng fromage hay ngụm rượu champagne….). Chứ nó không mang ý nghĩa: cơm Tàu ngon hơn cơm Việt. Thú thật, tôi từng nghe quá nhiều người Việt than: ăn cơm tàu hoài ớn bỏ mẹ, ớn tận cổ, và nuốt không trôi. Phải nói, đồ ăn Việt nam là ngon nhất đối với người Việt nam vì ta ăn từ hồi còn bé và ăn mỗi ngày; đồ ăn Việt đã góp phần tạo nên con người của ta, cho nên cái quan hệ ràng buộc giữa ta và nó sẽ còn tiếp diễn mãi mãi, chắc không dễ gì nhạt phai.
Nhờ có nghề buôn bán nên người tàu có suy nghĩ sâu xa và đa mưu. Thời xa xưa không biết nhưng lúc tôi còn bé đã có dịp chứng kiến vụ đan màn hay rèm che bằng những cọng nhựa và vụ nuôi chim cút. Trong vụ nuôi chim, cộng đồng Tàu còn mua chuộc tiến sĩ và nhà báo để viết bài kêu gọi mọi người dốc tiền tham gia. Ông tiến sĩ Việt còn có bài nghiên cứu khẳng định trứng chim cút bổ dưỡng vô cùng, có thể trị bá bệnh và đúng là tiên dược mới được khoa học khám phá…. Cái câu vớ vẫn “ăn cơm tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” chắc chắc là cái quảng cáo độc đáo nhất, ưu ái nhất, vinh dự nhất trên thế giới dành cho đồ ăn Tàu. Cũng có thể người Tầu đã vẽ ra câu này hoặc là họ luôn ủng hộ sự nhét sâu nó vào cái đầu người Việt, vì cái câu này không có lợi gì cho Tây hay Nhật mà chỉ giúp làm giàu cho họ và củng cố ngôi vị độc tôn của họ.
*
Ở nhà Tây? Thời thuộc địa, đa số nhà của người Việt là nhà tranh, vách đất và nền đất. Có được cái nhà bằng xi măng, nền nhà xi măng là ước mơ của hầu hết mọi người. Người ta còn mơ có sàn nhà lót gạch hoa. Có thể “ở nhà Tây” là ở trong nhà làm bằng xi măng chứ không phải là nhà có kiến trúc kiểu Tây. Vì nếu bảo người Việt mơ ở nhà kiểu Tây thì tại sao sau khi Tây đi rồi ta không bao giờ xây thêm nhà như nhà Tây thời thuộc địa, tức nhà có rất nhiều phòng nho nhỏ, phòng ngủ phải có cửa khoá và có lối đi hẹp chạy dọc theo chiều dài của nhà. Theo tôi, ước mơ có ngôi nhà tây hay “ở nhà Tây” là ước mơ thích đáng vì chỉ nhà xi măng của Tây mới chống đỡ nỗi các trận bão lụt.
Lấy vợ Nhật? Tôi chưa từng nghe có phong trào lấy vợ Nhật. Chưa nghe nói phụ nữ Nhật đến Việt nam để tìm chồng hay họ mê đàn ông Việt. Chưa nghe có một hiệp hội nghiên cứu hay một cơ quan quốc tế nào tuyên bố: vợ Nhật là nhất và nhất về phương diện gì. Dĩ nhiên, tôi không đủ già để chứng kiến những việc của 60-70 năm trước, nhưng tôi tin chắc “lấy vợ Nhật là nhất” chỉ có giá trị tán dốc. Vì cách đây 65 năm đa số người Việt nam không biết nước Nhật nằm ở đâu, văn hoá, ngôn ngữ của người Nhật ra sao, dân số của họ bao nhiêu….Và số người Việt đã đến Nhật chắc chỉ giới hạn ở con số trăm.
*
Chuyện gì cũng vậy, nếu không có thật mà cứ nói hoài thì sẽ có lúc thế hệ sau cho là có thật. Và khi đã được xếp vào danh mục ngạn ngữ hay thành ngữ được lưu truyền từ đời trước thì tự động người ta chấp nhận nó một cách máy móc: không cần phải thắc mắc về xuất xứ hay cái ý nghĩa thật sự có lành mạnh hay không của nó. Bởi vậy nên mới có chuyện nhiều vị trí thức, nhà văn, nhà báo…. của ta vô tư nói cái câu ấy cho vui miệng chứ không ý thức là họ đang nói sai hay không bao giờ nên nhắc đến nó.
Nói chuyện “ăn cơm Tàu là số một” đụng đến văn hoá truyền thống của dân tộc và phủi ơn công lao nấu nướng của người mẹ, người vợ Việt nam. Không ai dại gì Coi Thường món ăn quen miệng đã nuôi sống cả một dân tộc qua bao thế hệ để Ca Ngợi cái thức ăn: lâu lâu mới ăn một lần, ăn cho biết, ăn để thay đổi khẩu vị và ăn tốn tiền. Đồ ăn Tàu phong phú, nhưng phong phú nhất không bao giờ đồng nghĩa với ngon nhất. Tiệm tàu chỉ bán những món “nhất” được chọn ra từ hàng ngàn món ngon có, dỡ có của họ; và trong số món ngon hạng “nhất” đó cũng không phải món nào cũng ngon. Có đến Trung Quốc mới biết bộ mặt thật – không ra gì – của nó. Nếu đồ ăn Tàu ngon hơn đồ ăn Việt, thì ta đã tập nấu nướng theo kiểu Tàu từ lâu rồi. Đúng không!
Nói “ở nhà Tây là nhất” không sao cả vì nhà là sản phẩm vật chất. Sản phẩm vật chất là kết quả của khoa học kỹ thuật, của sáng tạo và của thời đại văn minh. Nó thay đổi hoài hoài theo thời gian và mọi dân tộc đều sẵn sàng, vui vẽ đón nhận, và khi có điều kiện đầy đủ thì dân tộc nào cũng có thể tạo ra những sản phẩm vật chất có chất lượng cao.
Nói “lấy vợ Nhật là tuyệt vời nhất” là chà đạp lên danh dự và phẩm chất của người mẹ, người phụ nữ Việt nam nói riêng, dân tộc Việt nam nói chung. Đúng vậy, tại sao không là mẹ, vợ, chị hay em gái mình…. là nhất! Mà là phụ nữ thuộc giống dân khác – không hề gặp hay biết gì về họ ngoài sự nghe phong phanh và đoán chừng là họ rất đảm đang, rất chìu….. những ông chồng NHẬT hay Một Hai ông chồng Việt của họ. Bạn nên nhớ: cô A là người tình tuyệt vời và cũng là người vợ lý tưởng của Paulle http://s0.wp.com/wp-includes/images/smilies/icon_smile.gif?m=1305202159g nhưng không có nghĩa: cô A sẽ là người tình hay người vợ hoàn hảo cho bạn (đây là chưa kể yếu tố khác biệt ngôn ngữ, thức ăn, phong tục…)
Thời đại văn minh, người ta tránh so sánh giữa hai cá nhân, hai dân tộc hay hai nền văn hoá, vì không có lợi gì cả mà so sánh dễ gây xúc phạm, phiền lòng. Tuy nhiên, ta có thể khen kiểu gì cũng không sao. Ngày nay, ở nước ngoài vẫn có người thích so sánh khi tán dốc hay khi nói chuyện với bạn bè. Dĩ nhiên, họ cho là dân tộc họ ngon lành nhất và họ có thể chê bai dân tộc khác. À, chê người khen ta chứ không phải khen người chê ta! Bởi vậy, rõ ràng cái câu nói bất hủ của ta rất là ngược đời và rất là bậy.

Thôi, hãy đừng nói đùa “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” nữa. Làm ơn!!!

Paulle