Hôm qua, 16.7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 luật vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.
Trong đó có các luật như luật Biển Việt Nam, luật Bảo hiểm tiền gửi, luật Giá, luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Giáo dục đại học; luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; bộ luật Lao động; luật Công đoàn; luật Giám định tư pháp; luật Tài nguyên nước;...
Kiểm tra các yếu tố cấu thành giá hàng hóa, dịch vụ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, một trong những nội dung mới của luật Giá so với pháp lệnh về giá trước đó là công khai thông tin về giá. “Luật Giá đã quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng”, ông Trung cho hay.
Về luật Bảo hiểm tiền gửi, đáng chú ý, luật quy định chỉ bảo hiểm tiền đồng Việt Nam chứ không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ hoặc kim loại quý; chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với cá nhân, không áp dụng với các tổ chức.
Luật Quảng cáo cũng có nhiều nội dung mới so với pháp lệnh Quảng cáo trước đó, trong đó đáng chú ý là quy định nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá 3 thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ...
Ưu tiên phát triển kinh tế biển
Về luật Biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết luật gồm 7 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013 tới.
Phạm vi điều chỉnh của luật gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Liên quan các quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển được nêu trong luật Biển, ông Sơn cho biết luật quy định các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển, gồm: các lực lượng thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, luật Biển lần này đã dành một chương riêng quy định các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển. Dựa vào các thế mạnh của mình, nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, bao gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Về ý nghĩa của luật Biển vừa được QH thông qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việc thông qua luật Biển là hoạt động lập pháp rất quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước luật Biển năm 1982. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta”, ông Sơn nói.
Đồng thời, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982.
Bookmarks