Bên cạnh dàn mỹ nhân "cây nhà lá vườn", một số ông vua Việt Nam còn "nạp" vào bộ sưu tập phi tần... những bông hồng Tây.
Lê Thần Tông lấy 'bà đầm' Hà Lan
Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có 6 vợ thì 4 bà là người ngoại quốc. Sử sách chép, ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, Hoàng đế Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 người Lào và vợ thứ 6 người Hà Lan lai Triều Tiên, tên là Orona.
Tượng Vua Lê Thần Tông và các bà phi. Ảnh: internet
Tài liệu ghi rằng, bà hoàng đó là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Trong chuyến cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Khi đó, nghe theo lời của bố, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của Vua Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng...
Trong cuốn sách Tường trình về Đàng ngoài, linh mục Alexandre de Rodes viết: Chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... và người Hà Lan đã đồng ý vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong (chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan... ). Từ việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan, người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn. Đơn cử, công ty Đông Ấn của Hà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ... mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài. Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, Vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, đã lấy các bà vợ người Mường, Thái, người Lào và người Hán, thì có thêm vợ người Hà Lan cũng là việc dễ hiểu”.
Hiện, tượng bà vợ "đầm" này của Vua Lê Thần Tông được thờ chung với 4 bà nữa (trừ tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) ở đền Nhà Lê.
Bảo Đại "dính" vợ Tây... "hết" trăng hoa?
Là con của Vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu và là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, Hoàng đế Bảo Đại (1913 - 1997) nổi tiếng một người đàn ông đẹp trai, thông minh nhưng ngông cuồng, mê gái, ham chơi và chỉ một mực chạy theo khoái lạc trên đời.
Năm 1933, Bảo Đại lấy Nam phương Hoàng hậu và tuyên bố thực hiện giáo lý của đạo Thiên là chế độ một vợ một chồng. Những chỉ 12 năm sau, ông rơi vào lưới tình của Thứ phi Mộng Điệp, rồi bà Lê Thị Phi Ánh; đồng thời "cặp kè với hàng tá tình nhân
Cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.
Ảnh: internet
Theo sử liệu, trong thời gian sống tại Pháp, cựu hoàng Bảo Đại yêu thêm bà đầm Vicky, bà thứ phi Tây đầu tiên của ông. Vicky sinh cho Bảo Đại một Hoàng nữ Phương Từ. Chia tay Vicky, cựu hoàng lao vào cuộc tình buồn với cô đầm Clément. Sau vụ tai tiếng đó, ông kết hôn với bà Monique Baudot. Và đây được xem là cuộc tình cuối cùng của ông hoàng.
Bà đầm Monique Baudot, tên đầy đủ là Monique Marie Eugene Baudot, sinh năm 1946, nhỏ hơn cựu hoàng 33 tuổi. Lễ thành hôn được tổ chức vào ngày 18/1/1983 tại quận 16, Paris. Trước kia, hồi năm 1969, bà Monique Baudot làm việc tại phòng Báo chí của toà Đại sứ nước Zair tại Paris. Bà như là một người bạn, một quản gia hay một người hầu phòng của cựu hoàng Bảo Đại.
Bà Monique từng kể: "Khi tôi đang làm Lãnh sự danh dự của nước Cộng Hoà Zair, Trung Phi, thì tôi nghe nói cựu hoàng An Nam đang sống độc thân trong cơn túng bấn, gần như bị bỏ rơi". Thế rồi bà đến với ông. Sau khi cưới, với tư cách là vợ chính thức của Bảo Đại, bà tự nhận là Quận chúa Monica và tự xưng tước vị là Thái Phương Hoàng hậu. Bà đầm và ông hoàng có hôn thú nhưng không có con.
Theo sử sách, trong số các vị vua Việt Nam, Hoàng đế Quang Trung cũng từng có ý lấy vợ ngoài nước, đó là công chúa nhà Thanh. Sách Hoàng Lê nhất thông chí chép rằng: “Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây".
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi: “Năm Nhâm Tý (1792), Vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý Vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng Vua bị bệnh không đi được”.
Theo hai tài liệu trên, việc Quang Trung xin cưới một công chúa của Càn Long mới chỉ trong dự định của một ý đồ liên quan đến vận nước của hai bên. Vua mong muốn bành trướng lãnh thổ Ðại Nam về phương Bắc và bằng mọi cách đòi lại cho được 2 tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây - vốn thuộc nước Nam Việt thời Triệu Ðà (năm 207 trước Tây lịch), mà nhà Hán đã thôn tính.
Sau khi sứ thần Vũ Văn Dũng nhận chỉ của Vua Quang Trung, sang dâng tấu xin Càn Long ban cho hai yêu cầu nói trên, Vua nhà Thanh đã chuẩn y lời cầu hôn của Hoàng đế Quang Trung, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh, Càn Long ngoài mặt đồng ý, nhưng thực tế chỉ muốn trao cho Quảng Tây làm đất đóng đô, coi như của hồi môn cho con gái.
Tuy nhiên, ở đời mấy ai học được chữ ngờ! Chỉ sau đó mấy hôm, Vũ Văn Dũng nhận được tin chẳng lành là Vua Quang Trung đột ngột băng hà. Mọi việc trở nên dang dở...
Bookmarks